Những điều cơ bản của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Thứ ba - 16/05/2023 11:13 292 0
Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp và khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật bao gồm 6 chương và 91 Điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sau đây là những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022:

- Về những quy định chung: Luật quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn như: Nội dung, hình thức phải công khai; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Tại cơ quan, đơn vị, Luật có quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.

- Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động: Luật quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, với tính chất đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật. Luật quy định về công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát…

- Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện và tổ chức thực hiện Luật; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, HĐND và UBND cấp xã trong phạm vi địa phương; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia, hỗ trợ và làm nòng cốt để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Dân chủ cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Trung Huyền

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thứ năm, 21/11/2024, 20:02
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây