UBND tỉnh giao Sở Du lịch phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng đề án Phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khai thác và phát huy tốt tài nguyên du lịch của địa phương này.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh đẹp, như suối Tà Má, hồ Định Bình, hồ Hòn Lập, gộp Nước Ló, suối khoáng nóng Vĩnh Thịnh… Đặc biệt, xã vùng cao Vĩnh Sơn với khí hậu ôn đới được mệnh danh là “Đà Lạt của Bình Định” có di tích lịch sử vườn cam Nguyễn Huệ, thành đá Tà Kơn, cùng các thắng cảnh đẹp như thác Hang Dơi, thủy điện Vĩnh Sơn… thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ, cùng với nhiều giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Bana, Vĩnh Thạnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
Hồ Định Bình (xã Vĩnh Hảo) là điểm đến du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Phối hợp với Sở Du lịch, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng đề án Phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa huyện Vĩnh Thạnh trở thành điểm đến du lịch mang nét đặc trưng riêng hấp dẫn du khách, góp phần phát triển KT-XH của huyện. Với vai trò là đơn vị phối hợp, bước đầu ngành Du lịch đã lập dự thảo đề án và tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia, các sở, ngành của tỉnh; đồng thời tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư ở Vĩnh Thạnh để hoàn chỉnh đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Đinh Thìn, Trưởng thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, bộc bạch: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước về phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, bởi bà con đã nhận thấy lợi ích từ phát triển du lịch. Tuy nhiên, bà con mong Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sao để lực lượng thanh niên trong thôn biết cách phục vụ du khách, biểu diễn cồng chiêng, cách thức tổ chức sinh hoạt văn hóa phù hợp để có thể giúp du khách hiểu được bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây”.
Khu du lịch suối nước nóng Vĩnh Thịnh thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Mấy năm gần đây, hình ảnh hoa anh đào, mai anh đào, cây phượng tím tại xã Vĩnh Sơn đã thu hút khá nhiều người đến tham quan. Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: “Công ty đã trồng 500 cây hoa anh đào do Hội hữu nghị Việt Nhật tại TP Sakai (Nhật Bản) tặng; trồng vườn hoa mai anh đào tập trung diện tích 1,4 ha; trồng đường hoa 306 cây hoa mai anh đào. Chúng tôi cũng tuyển chọn giống hoa đào xứ Bắc tại Vĩnh Sơn để ươm trồng vườn hoa riêng của Công ty nhằm phục vụ du lịch và nghiên cứu sáng tạo thêm nhiều sản phẩm là quà lưu niệm có dấu ấn Vĩnh Sơn để phục vụ du khách”.
Đến nay, Sở Du lịch đã xây dựng hoàn chỉnh dự thảo đề án, gồm phần mở đầu và 3 phần đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh; nội dung phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; giải pháp và tổ chức thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất cho biết: Huyện Vĩnh Thạnh được xác định nằm trong cụm du lịch Tây Sơn - Vĩnh Thạnh và tuyến du lịch Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh. Việc lập đề án phát triển du lịch ở Vĩnh Thạnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, ổn định sinh kế cho người dân địa phương. Qua đó kêu gọi đầu tư phát triển về du lịch, cũng như xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách và kết nối tour, tuyến du lịch với các vùng phụ cận, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của huyện Vĩnh Thạnh phát triển sau này.
Nguồn: www.baobinhdinh.vn
Ý kiến bạn đọc