Ngày 30/11/2024, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Vân Canh tổ chức Lễ hội Thần Làng (Quai Yang Cham) của người Chăm H’roi để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch tại khu phố Hiệp Hà, Thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Lễ hội Thần Làng (Quai Yang Cham) của người Chăm H’roi là một sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc, được tổ chức hàng năm vào tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch, với ý nghĩa cầu mong cho nơi ở của dân làng mình luôn được bình yên, cầu cho các vị thần linh bảo vệ, che chở cho dân làng, mọi người luôn khỏe mạnh, trong cuộc sống lao động sản xuất luôn mưa hòa, gió thuận, cây trồng được đơm hoa, kết quả, cây lúa được đầy hạt, nuôi gia súc, gia cầm luôn sinh sôi thành đàn, thành bầy, tránh được dịch bệnh.
Công tác chuẩn bị Lễ hội có sự phân công cho các thành viên trong cộng đồng một cách chặt chẽ. Trước hai ngày lễ hội diễn ra, các bậc phụ lão thông báo đông đủ dân làng tại nhà rông để phân công nhiệm vụ cụ thể, các phần việc trong quá trình tổ chức lễ hội thần Làng (Quai Yang Cham), và thỏa thuận với nhau sẽ cùng quyên góp những lương thực, vật phẩm dâng lên ngày hội như: muối, gạo, gà. Heo và dê là lễ vật chính của Lễ hội đã được cả làng thống nhất đóng góp trước một tháng.
Vào ngày lễ chính, những người già trong làng thực hiện Phần Lễ của Lễ hội Thần Làng (Quai Yang Cham), gồm có 04 nội dung cúng chính gồm: Cúng lần 1 là Cúng giỗ ông bà (Quai A tâu mo, oi); Cúng lần 2 là Cúng thần núi (Quai pa Khưng Yang Chơ, mét wa); Cúng lần 3 là Cúng thần làng (Quai Yang Cham); Cúng lần 4 là Cúng hú lấy hồn về (Quai nhô pơngal Pla Play wing). Trong khi cúng còn thực hiện các nghi thức khác, như: Treo mỏ và giăng dây chỉ, đạp đất, xin keo… với ý nghĩa trừ tà khí, cầu thần linh phù hộ dân làng. Sau khi hoàn thành các Lễ cúng thì đến phần Hội, đội cồng chiêng, đội múa xoang biểu diễn và cùng giao lưu với cộng đồng người dân và du khách.
Đến với Lễ hội Thần Làng (Quai Yang Cham) của người Chăm H’roi tại huyện Vân Canh, du khách có thể hiểu thêm về lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi và tận hưởng không khí tưng bừng, náo nhiệt của Lễ hội, nghe hát Paikai, thưởng thức tiếng trống đôi Kơ toang, được hòa mình vào điệu múa xoang trên nền cồng chiêng, uống rượu cần và cùng thưởng thức các lễ vật cúng tại nhà Rông của đồng bào.
Thảo Nguyên