Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có đồng chí Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại biểu tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu địa phương.
Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang và Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh chủ trì; đại diện lãnh đạo các Sở: Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn, Hiệp hội Du lịch Bình Định và lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP với 8 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82; (2) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (3) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (4) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (5) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (6) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (7) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (8) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch và nội dung Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Hội nghị cũng nghe báo cáo Đề án về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm như: Mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; Mô hình mua sắm, giải trí đêm; Mô hình tham quan du lịch đêm và Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu các địa bàn: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 01 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn và phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông.
Phương Hồng