Sơ kết 5 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng

Thứ tư - 25/12/2024 06:06 190 0
Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định sau hơn 05 năm thi hành Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; Phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn có tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao;...
 
Đ/c Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị, qua 5 năm thi hành Luật PCTN, tại các bộ, ngành, địa phương được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, dưới sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp và thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự tập trung chỉ đạo, giám sát của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tư pháp; quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của Nhân dân, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành 583 nghị định, 617 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 389 quyết định, 27 chỉ thị. Các bộ, ngành, địa phương ban hành 71.796 văn bản; sửa đổi, bổ sung 3.642; bãi bỏ 833 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, góp phần tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Toàn ngành Thanh tra triển khai  hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính; hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế trên 658.300 tỷ đồng; hơn 28.300 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 559.000 tỷ đồng, hơn 5.500 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 13.000 tập thể, gần 15.900 cá nhân…Cơ quan Điều tra Công an các cấp thụ lý điều tra 2.990 vụ án, với hơn 7.500 bị can phạm tội về tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý, xét xử sơ thẩm gần 3.000 vụ án về các tội danh tham nhũng…
 
Tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác PCTN được triển khai toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Tại hội nghị, đại biểu tham luận các chuyên đề: Chủ trương chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; công tác phát hiện khởi tố điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật góp phần PCTN trong thời kỳ mới; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhằm phòng ngừa tham nhũng; thanh toán không dùng tiền mặt góp phần PCTN; vai trò của xã hội trong PCTN. Đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại. Đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác PCTN, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về PCTN, bảo đảm phù hợp với chủ trương, của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực trong tình hình mới.
 
Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bình Định chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác PCTN 5 năm qua. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật về PCTN, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Để công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN, tiêu cực. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực…/.
                                                                                                   
Mạnh Phi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thứ bảy, 26/04/2025, 21:47
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
<