Sáng ngày 7/2, tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao long trọng tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý".
Tham dự buổi lễ, về phía Bộ VH-TT&DL có đồng chí Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa. Về phía tỉnh có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với những giá trị văn hóa đặc sắc, “Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh Bình Định được vinh danh, là kế tiếp của di sản: Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc Lễ hội cầu ngư Vạn Đầm Xương Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là minh chứng cho sự giàu có, đa dạng của kho tàng văn hóa dân tộc. Đây còn là cột mốc quan trọng, mở ra những cơ hội mới để di sản này tiếp tục được gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Để di sản Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị UBND thành phố Quy Nhơn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản cụ thể, chi tiết, đồng thời, cần rà soát, thực hiện việc quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khu vực Lăng Ông Nam hải Vạn đầm Xương Lý, bảo đảm không gian tổ chức Lễ hội được gìn giữ, tôn tạo phù hợp với cảnh quan và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa Lễ hội, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền dạy để các thế hệ sau hiểu rõ và tiếp nối di sản. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc thực hành, gìn giữ nghi lễ truyền thống. Đồng thời, tăng cường kết nối lễ hội với du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, giới thiệu rộng rãi nét đẹp của Lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, không chỉ bảo tồn di sản mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ghi nhận và tôn vinh những nghệ nhân, cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội, để tiếp tục lan tỏa tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau phần nghi lễ Nhà nước tổ chức đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý sẽ tiếp tục diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10/2, với các nghi lễ và một số hoạt động như: Hát bội, trò chơi dân gian, hội đánh bài chòi cổ…
Hữu Phước